* Chuồng trại:
- Làm chuồng trâu bò ở nơi cao ráo, xa nhà, khu dân cư, có mái lợp bằng tranh, tre, lá hoặc ngói.
- Nên làm chuồng có 2 mái và trồng thêm một số loại dây leo như mướp, hoa giấy, bìm bìm… để tăng độ thoáng và làm mát chuồng. Xung quanh chuồng phải có các tấm che chắn, đảm bảo trâu bò không bị nhiễm lạnh khi trời mưa đột xuất về đêm.
- Thường xuyên khơi thông cống rãnh, tránh để phân, chất thải ứ đọng phát sinh mầm bệnh và sử dụng các chế phẩm khử mùi hôi trong chuồng.
* Nuôi dưỡng, chăm sóc:
- Để có sức đề kháng trong thời tiết nắng nóng, đồng bào cần tăng cường lượng thức ăn xanh cho trâu bò như rau, cỏ tươi, củ quả…; tăng cường chất đạm; giảm tinh bột, mỡ, đường; bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất trong trường hợp khẩu phần ăn chưa đầy đủ.
- Vào những ngày nắng nóng kéo dài nên nhốt trâu bò và cho ăn tại chuồng. Chỉ chăn thả trâu, bò ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát (sáng từ 6h00 - 9h00 và chiều từ 16h00 - 18h00). Đảm bảo đủ thức ăn thô xanh từ 15 - 35 kg/con/ngày và bổ sung thức ăn tinh khoảng 1 - 2,5 kg/con/ngày.
- Cung cấp đủ nước sạch cho trâu bò uống và tắm 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể.
* Phòng bệnh:
- Cần thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; định kỳ mỗi tuần sát trùng, tẩy uế 1 - 2 lần để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine…
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe trâu bò, nếu thấy có biểu hiện cảm nắng, cảm nóng thì cần áp dụng các biện pháp làm mát như tách riêng trâu bò ra nơi có bóng mát; dùng quạt làm mát nhưng tránh thổi trực tiếp; dùng đá lạnh chườm mát vùng đầu, mặt, đồng thời cho uống nước điện giải, khi ổn định mới cho nhập đàn.
- Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho trâu bò theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Hữu Hải